Site icon MUA VÀ ORDER HÀNG MỸ NHANH CHÓNG

Xu hướng logomania & bí quyết mặc đẹp với xu hướng này

thương hiệu streetwear

“Chết yểu” từ những năm 1990, không ai nghĩ xu hướng logomania lại trở thành một trong những xu hướng thời trang nam được yêu thích nhất hiện nay.

Lại thêm một thập niên nữa sắp trôi qua, chúng ta đã và đang chứng kiến sự “chết yểu” của rất nhiều xu hướng thời trang. Không khó để bạn nhận ra thời trang “mì ăn liền” phát triển nhanh chóng đã khiến những xu hướng khác trở nên dè chừng hơn. Và chúng ta được gì? Hầu hết những người trẻ đều chọn cùng một phong cách, đó là mix những chiếc quần skinny jeans cùng logo tee (những chiếc áo phông in logo) – một trong những xu hướng thời trang gắn liền với các ban nhạc Britpop đã “chết yểu” vào những năm 90 đã quay trở lại mạnh mẽ hiện nay. Tuy nhiên, xu hướng logomania sẽ biến bạn trở thành một tay đua xe F1 không hơn không kém nếu bạn không biết cách mix&match.

 

1. Chọn những thiết kế với logo là điểm nhấn nổi bật

Những thiết kế logo truyền thống đã không còn nằm yên một chỗ nữa. Giờ đây, logo trở thành một hoạ tiết được yêu thích bật nhất trên các trang phục, đặc biệt là logo tee – những chiếc áo phông in logo đã và đang khuynh đảo giới mộ điệu. “Những năm gần đây, ngay cả ông lớn Gucci cũng đã bắt đầu dấn thân vào xu hướng logomania bằng cách ra mắt những chiếc áo thun sành điệu của mình”, Luke McDonald – stylish của Thread chia sẻ.

Trong khi các thương hiệu thời trang đường phố và thể thao đã đưa logo trở thành hoạ tiết trong các mẫu thiết kế của mình từ nhiều năm về trước, các thương hiệu thời trang cao cấp bắt đầu “nhập cuộc” và chọn cách tối giản hoá các logo trên nền áo phông vừa mang đến sự tinh tế vừa đáp ứng được thị hiếu thời trang của các tín đồ.

Ảnh: imaxtree

Đối với logomania, để lựa chọn một trang phục đúng chuẩn, việc đầu tiên bạn cần quan tâm là kích thước và vị trí của logo. “Có quá nhiều những trang phục mà logo được thiết kế rất to, thậm chí là quá cỡ. Rõ ràng, chúng ta không cần một điểm nhấn quá khổ như thế”, Nick Eley – Trưởng phòng thiết kế thời trang nam của ASOS chia sẻ. Hãy nhớ rằng bạn không phải là một bức tranh tường di động. Xu hướng logomania còn được biết đến là một trong những chiêu thức quảng cáo gián tiếp cho các thương hiệu thời trang. Vậy nên, hãy chắc chắn rằng, với một chiếc áo phông in logo nổi bật, trông bạn thật sự sành điệu hơn là màu mè và lố bịch. “Hãy chọn những chiếc logo tee phù hợp với phong cách và lối sống của bạn thay vì chạy theo phong cách của bất kì ai” là lời khuyên của Luke McDonald dành cho những tín đồ của xu hướng này.

Ảnh: Pinterest

Việc kết hợp nhiều logo trong cùng một thiết kế là chuyện không hiếm trong ngành thời trang, tuy nhiên, việc kết hợp đòi hỏi sự khéo léo khá cao. Vậy nên, lựa chọn an toàn nhất vẫn là những thiết kế được in với duy nhất 1 logo để đảm bảo sự tinh tế và tối giản của trang phục. “Hãy cân nhắc vị trí, kích thước và sự kết hợp của các logo phải thật cẩn thận vì nếu bạn không làm chủ được trang phục của mình, chúng sẽ nuốt chửng bạn trong một set trang phục chẳng giống ai”, Chris Hobbs – Biên tập viên thời trang của Matches Fashion chia sẻ. Nếu không muốn trông như những tay đua xe F1, bạn cần nắm vững những quy tắc mix&match cơ bản trong bài viết này.

 

2. Để logo trở thành một tiểu tiết thú vị trên trang phục

Nếu bạn không thích sự nổi bật từ những thiết kế logo tee, không sao cả, những tiểu tiết thú vị có thể là một gợi ý không tồi.

Với nhiều thương hiệu thời trang cao cấp, logo thường được vận dụng theo xu hướng “less is more”, nghĩa là, logo trong các mẫu thiết kế thường không chiếm quá nhiều diện tích của trang phục. Tuy nhiên, việc đặt logo vào những vị trí “vàng” lại giúp trang phục đạt được sự tinh tế và thu hút tuyệt đối. Logo trở thành một tiểu tiết thú vị và nhẹ nhàng mà vẫn đủ sức gây chú ý đối với mọi người.

Đặt logo vào những vị trí “vàng” giúp logo trở thành một tiểu tiết thú vị và nhẹ nhàng mà vẫn đủ sức gây chú ý đối với mọi người.
Ảnh: Pinterest

“Thay vì chọn cách thể hiện logo rõ ràng trên các mẫu thiết kế, không ít thương hiệu thời trang chọn cách thể hiện hoạ tiết hoặc ký hiệu mang tính độc quyền trên sản phẩm của mình” – Nick Eley nhận định. Burberry là một trong những thương hiệu thể hiện sự tối giản thành công trong xu hướng logomania. Hoạ tiết “Haymarket Check” với các sọc caro được kết hợp từ 4 màu đỏ, đen, trắng và nâu tạo nên đặc trưng không bị nhầm lẫn với bất kỳ thương hiệu nào. Trong khi đó, Maison Martin Margiela là một trong những thương hiệu chọn cách thể hiện đặc trưng của mình ở phần không nhìn thấy được trên trang phục. Đó là những chiếc mác áo được thiết kế từ một miếng vải thô in các số từ 0-23 và được gắn vào bên trong trang phục với bốn mũi khâu màu trắng.

Hoạ tiết “Haymarket Check” được xem là đặc trưng của thương hiệu Burberry.
Ảnh: Burberry
Những chiếc mác áo được thiết kế từ một miếng vải thô in các số từ 0-23 và được gắn vào bên trong trang phục với bốn mũi khâu màu trắng là đặc trưng của Maison Martin Margiela.
Ảnh: Pinterest
Ảnh: Pinterest

“Hoodie in logo mix cùng blazer hoặc áo phông in logo mix cùng sơ mi khoác hờ đều là những cách mix layer giúp bạn giảm bớt sự nổi bật của những thiết kế logo tee mà vẫn đảm bảo tinh thần logomania” – McDonald gợi ý.

 

3. Những trang phục mà logo được biến tấu có ý đồ (tích cực)

Trước khi lựa chọn cách những trang phục này, bạn cần nhớ rằng mọi sự biến tấu luôn phải nằm trong chuẩn mực. Đôi khi, chính thương hiệu là người phá vỡ sự nghiêm túc trong logo của chính mình và tạo nên một xu hướng thời trang thú vị. Gucci là một điển hình trong trường hợp này. Thay vì là “Gucci”, thương hiệu này đã “trêu ngươi” giới mộ điệu với những chiếc áo thun được in dòng chữ “GUCCY”. Các nhà thiết kế tỏ ra vô cùng thích thú với sự biến tấu hài hước này.

Tuy nhiên, không phải bất kì sự cách điệu nào cũng mang tính hài hước. Không ít người đã mua nhầm những chiếc áo phông nhái thương hiệu Palace với dòng chữ được in là “Placae”. Thoạt nhìn, chiếc áo có thể gây cười nhưng thật ra, dòng chữ kia lại mang nội dung khiêu dâm. Đây là ví dụ điển hình cho việc rất nhiều người hoàn toàn không chú ý nhiều đến chính tả, tuy nhiên, quy tắc hàng đầu của thời trang vẫn là những biến tấu, cách điệu cần nằm trong chuẩn mực.

Thông thường, những phiên bản cách điệu này nằm trong các BST giới hạn của những thương hiệu cao cấp. Nếu bạn không đủ tài chính cho những thiết kế đắt đỏ này, những thương hiệu thời trang đường phố là một lựa chọn không tồi.

 

4. Mang xu hướng logomania phủ đầy lên phụ kiện 

Trước đây, không khó để nhận thấy hầu hết các thương hiệu thời trang đều sở hữu những dòng nước hoa của riêng mình. Nhưng hiện nay, phụ kiện đã được mở rộng phạm vi ra đến những chiếc case điện thoại, bật lửa hay thậm chí là móc khoá. Tất cả những sản phẩm này đều mang logo của hãng nhằm thoả mãn thị hiếu logomania. Nếu bạn là người muốn theo đuổi xu hướng logomania nhưng chưa đủ tài chính, hãy bắt đầu từ những món phụ kiện với những mức giá hợp lý nhất.

Phụ kiện xu hướng logomania chưa bao giờ đa dạng như hiện nay.
Ảnh: @DropsByJay

 

Gợi ý những thương hiệu mang xu hướng logomania

Thương hiệu cao cấp

1. Gucci

“Gucci” được xem là danh từ “top-of-mind” trong tiềm thức của giới mộ điệu. Sang trọng, quyến rũ và phong cách là những gì mà thương hiệu này mang đến cho khách hàng của mình. Đó là lý do tại sao Gucci là thương hiệu đứng đầu xu hướng logomania. Nhà mốt hàng đầu nước Ý dành khá nhiều tâm huyết và hứng thú trong việc sáng tạo nên những trang phục mang đậm xu hướng logomania. Từ áo phông, hoodie cho đến túi xách và cả giày thể thao, tất cả items đều được phủ đầy sự sang chảnh từ chính logo xanh lá – đỏ của mình.

Ảnh: Gucci

2. Off-White

Các đường kẻ sọc chéo được xem là đặc trưng của Off-White. Tuy nhiên, óc sáng tạo của Virgil Abloh – nhà sáng lập đồng thời là giám đốc sáng tạo của thương hiệu thời trang này thật sự vượt ngoài tưởng tượng. Anh biết cách biến tấu và khiến cho đặc trưng của Off-White trở nên thú vị và hấp dẫn hơn trong mắt những người sành thời trang. BST mang tên “The Ten” được Off-White hợp tác với Nike được xem là một trong những thành công lớn của thương hiệu này nói chung và Virgil Abloh nói riêng.

BST “The Ten” được Off-White hợp tác với Nike.
Ảnh: Nike

 

3. Balenciaga

Một đôi vớ trơn được đính kèm logo của một thương hiệu cao cấp với giá dưới £100 là điều không tưởng nhưng với Balenciaga, bạn hoàn toàn có khả năng sở hữu một đôi vớ hàng hiệu với mức giá hợp lý đó. Demna Gvasalia – nhà sáng lập Vetements đồng thời là Giám đốc sáng tạo của Balenciaga – là người đã đưa logo trở thành một trong những biểu tượng và hoạ tiết của thương hiệu cao cấp đến từ Tây Ban Nha này. Áo khoác, hoodie, sneakers và mũ lưỡi trai, tất cả đều thể hiện được sự tinh tế và sành điệu trong mỗi thiết kế của mình.

Ảnh: Ben Awin / Hypebeast

 

Thương hiệu tầm trung

1. Tommy Hilfiger

Sự trở lại của xu hướng logomania đã giúp cho thời kỳ hoàng kim của thương hiệu Tommy Hilfiger được hồi sinh. Cách đây hơn 20 năm, Tommy Hilfiger được xem là thương hiệu thời trang đi đầu với những thiết kế logo tee và với sự xoay vòng của thời trang, những thiết kế của hãng này lại được yêu thích hơn bao giờ hết. Những chiếc áo phông với những hàng chữ khối mang đậm đường nét và màu sắc cổ điển của những năm 90 chắc chắn là một item không thể thiếu trong tủ quần áo của bạn.

Ảnh: hommes

 

2. Calvin Klein

Biểu tượng của thương hiệu này đã không còn xa lạ với bất kì một tín đồ thời trang nào. Calvin Klein được xem là thương hiệu khẳng định phong cách và sự quyến rũ mà hầu hết đàn ông trên thế giới đều lựa chọn. Ngày nay, Calvin Klein không còn gói gọn trong những thiết kế đồ lót tuyệt vời nữa mà còn là những thiết kế áo phông, hoodie, áo khoác và hứa hẹn là một trong những thương hiệu đi đầu trong xu hướng logomania.

Ảnh: t5studio

 

3. Levi’s

Với những chiếc mác nhỏ màu đỏ được đính vào túi sau của mỗi chiếc quần jeans, Levi’s không phải là một trong những thương hiệu nổi bật với những thiết kế mang đậm tinh thần logomania. Tuy nhiên, tất cả đều đã thay đổi. Những chiếc áo phông in logo của hãng nhanh chóng được ra mắt và nhận được sự yêu thích của giới mộ điệu. Đã đến lúc Levi’s bắt đầu cuộc đua của mình trong trào lưu logomania.

Ảnh: katarinav

 

Thương hiệu thời trang đường phố

1. Palace

Trong chưa đầy một thập kỷ, Palace đã xuất sắc chuyển mình từ một thương hiệu thời trang non trẻ thành một trong những thương hiệu hàng đầu của dòng thời trang đường phố cao cấp. Với biểu tượng logo “Tri-Ferg” mang đậm tính hài hước và độc đáo, Palace trở thành sự lựa chọn không chỉ của những người yêu thích phong cách thời trang đường phố mà cả những fashionisto.

Ảnh: PALACE

 

2. Supreme

Supreme được xem là ông vua của những thiết kế mang đậm tính biểu tượng mà không cần đợi đến sự trở lại của xu hướng logomania. Dù là items nào, quần áo, sneakers, mũ lưỡi trai hay ba lô, chỉ cần của Supreme, mọi người sẽ sẵn sàng chi trả những mức giá khủng để sở hữu được nó. Không ai có thể giải thích được tại sao biểu tượng đầy đơn giản này lại có sức hấp dẫn lớn như vậy với giới mộ điệu.

Ảnh: @p_typeofficial

 

3. Stussy

Logo của thương hiệu thời trang này được lấy cảm hứng từ bộ môn nghệ thuật mang tên Graffiti. Stussy được xem là một trong những ông trùm của phong cách thời trang đường phố. Điều khiến người ta yêu thích thương hiệu này chính là việc hãng ít khi đưa ra những BST được thiết kế giới hạn. Điều này có nghĩa là mọi người đều có cơ hội như nhau trong việc sở hữu những items thời trang yêu thích của mình.

Ảnh: STÜSSY

 

Thương hiệu thời trang thể thao

1. adidas

Các thương hiệu thời trang thể thao được xem là “đại thụ” mỗi khi nhắc đến xu hướng logomania. Trong đó, adidas với 2 biểu tượng là “3 lá” (trefoil) và “3 sọc” được xem là những thiết kế mang tính nhận diện mạnh mẽ nhất trong ngành thời trang nói riêng và ngành thiết kế nói chung.

Ảnh: lizream

Bắt đầu được yêu thích bởi những nghệ sĩ hiphop như Run DMC vào những năm 80, sang những ngôi sao của dòng nhạc Britpop hay thậm chí là những anh chàng thượng lưu và sành điệu bật nhất vào những năm 90, đến tận bây giờ, adidas vẫn được xem là một trong những thương hiệu thời trang mang tinh thần logomania dễ mặc nhất mọi thời đại.

 

2. Nike

“Swoosh” của Nike là một trong những biểu tượng mang tính đặc trưng bậc nhất khi nhắc đến logomania. “Swoosh” xuất hiện trên tất cả sản phẩm của hãng này từ áo phông, quần tracksuit cho đến vớ và cả sneakers.

Ảnh: pretty-random-things

 

3. Champion

Mặc dù là thương hiệu đã được thành lập hơn 100 năm, tuy nhiên, mãi đến khi xu hướng logomania trở lại, Champion mới thật sự nhận được nhiều sự quan tâm từ các tín đồ thời trang. Mở rộng nhiều sự hợp tác với các thương hiệu thời trang cao cấp khác, Champion không chỉ sở hữu những thiết kế mang tính thể thao thoải mái mà còn là những thiết kế sành điệu mang đậm phong cách đường phố từ hoodie, áo phông và cả quần tracksuit.

Ảnh: Champion
Exit mobile version