Từ phong tục mặc đồ lót màu đỏ của người Ý cho đến phong tục đón năm mới ở nghĩa địa của người Chile, tất cả đã tạo nên những màu sắc văn hóa hết sức đa dạng.
Đêm Giao thừa đã trở thành một ngày lễ quan trọng trên toàn thế giới và thường được chào đón bằng những chùm pháo hoa rực rỡ hay những buổi tiệc tùng và lời chúc nhau năm mới an lành, hạnh phúc của mọi người. Tuy nhiên, mỗi quốc gia khác nhau lại đón năm mới với các truyền thống văn hóa độc đáo khác nhau.
Dưới đây là một số phong tục chào mừng năm mới đáng chú ý nhất theo tổng hợp của Business Insider:
Tại Stonehaven, Scotland, người ta sử dụng những quả cầu lửa lớn trong lễ hội Hogmanay vào đêm Giao thừa để xua đuổi ma quỷ
Lễ hội thổi lửa Hogmanay nổi tiếng nhất của Scotland là ở Stonehaven, nơi diễn ra cuộc diễu hành hoành tráng của rất nhiều nghệ sĩ chuyên nghiệp. Họ biểu diễn với những ngọn lửa, quay những quả cầu lửa ngay phía trên đầu rồi ném xuống biển.
Truyền thống này bắt đầu từ hơn 100 năm trước và nhiều người tin rằng nó dựa trên một nghi lễ cổ xưa nhằm gột rửa tội lỗi cũng như xua đuổi ma quỷ.
Người Myanmar chào đón năm mới với lễ hội té nước Thingyan
Lễ hội này được gọi là lễ đón năm mới nhưng trên thực tế, thời gian diễn ra lại không phải vào cuối tháng 12 mà là vào khoảng giữa tháng Tư theo lịch cổ truyền của người Myanmar. Lễ hội Thingyan xuất phát từ một câu chuyện truyền thuyết liên quan đến các vị thần. Người Myanmar tin rằng nước sẽ giúp gột rửa những điều không tốt và bênh tật, đồng thời đem lại sức khỏe và hạnh phúc.
Trong những ngày này, đường phố thường ngập trong nước do mọi người té nước lẫn nhau và họ quan niệm ai càng bị ướt thì càng mạnh khỏe và gặp nhiều may mắn trong năm mới.
Người Siberia trồng cây dưới sông băng vào đêm Giao thừa như một biểu tượng cho sự khởi đầu mới
Những người thợ lặn can đảm nơi đây đã bất chấp thời tiết khắc nghiệt để trồng cây dưới hồ nước đóng băng. Yolka là một loại cây gỗ đặc trưng trong dịp Năm mới của người Siberia đánh dấu sự xuất hiện của Vị thần mùa đông và tượng trưng cho sự khởi đầu mới. Bên cạnh đó, họ còn thực hiện một thử thách “khó nhằn” không kém theo phong tục truyền thống là nhảy vào hồ băng.
Người Tây Ban Nha ăn 12 quả nho lúc nửa đêm để tránh xui xẻo trong năm mới
Vào đúng nửa đêm, người Tây Ban Nha sẽ ăn 12 quả nho trong 12 tiếng chuông mừng năm mới để gặp may mắn cả năm. Mỗi quả nho tượng trưng cho một tháng trong năm vào cần được ăn trong thời khắc Giao thừa. Nếu sau 12 tiếng chuông ai không ăn hết nho thì điều đó được coi là không may.
Ăn hết 12 quả nho trong 12 tiếng chuông năm mới là một điều may mắn.
Tại Mỹ và Canada, mọi người thường hôn nhau vào khoảnh khắc Giao thừa
Ở nhiều nền văn hóa phương Tây, đặc biệt là ở Bắc Mỹ, việc hôn một người đặc biệt vào đêm Giao thừa rất có ý nghĩa.
Đây không chỉ là cách duy trì tình cảm mà còn được cho là sẽ đem lại một khởi đầu mới may mắn và tràn ngập yêu thương.
Người Brazil thả trôi những bông hoa trắng dưới biển để tỏ lòng biết ơn với nữ thần biển cả
Tại Brazil, vào đêm Giao thừa, những người dân địa phương sẽ mặc đồ màu trắng rồi thả trôi những bông hoa và nến trắng xuống biển để tỏ lòng biết ơn Iemanja –nữ thần ban phước lành cho những bà mẹ và trẻ em trong truyền thuyết châu Phi. Nếu biển cả trả lại những thứ đó thì có nghĩa là nữ thần không chấp nhận chúng, tuy nhiên, con người cũng sẽ không bị “trừng phạt” vì điều này.
Dâng những bông hoa và nến trắng cho nữ thần còn được cho là sẽ mang lại sự thịnh vượng cho năm mới.
Người Trung Quốc sơn cửa trước màu đỏ để gặp nhiều may mắn trong năm mới
Vào dịp Tết Nguyên đán, người Trung Quốc thường sơn cửa ra vào và trang trí các cửa sổ bằng màu đỏ để cầu mong may mắn trong năm tới. Đỏ là màu may mắn và hạnh phúc nhất theo quan niệm của người Trung Quốc.
Chính vì vậy, họ thường trang trí nhà cửa trong dịp Tết Nguyên đán và đám cưới bằng màu chủ đạo là màu đỏ.
Đập vỡ bát đĩa trong đêm Giao thừa được coi là may mắn tại Đan Mạch
Tại Đan Mạch, những mảnh vỡ được cho là đem lại may mắn, do đó mọi người thường đập vỡ những chiếc bát đĩa đã bị nứt hoặc không sử dụng và thả chúng ở ngay bậc thang trước cửa nhà người thân hay bạn bè để mang lại điều may mắn cho họ.
Nhà nào có càng nhiều đống vụn bát đĩa trước cửa thì nhà đó càng trở nên “nổi tiếng”.
Tại Ý, mọi người mặc đồ lót màu đỏ để được may mắn trong tình yêu trong năm mới
Đỏ là màu tượng trưng cho tình yêu và khả năng sinh sản ở Ý. Vậy nên những người trẻ tuổi thường mặc đồ lót màu đỏ trong đêm Giao thừa để năm mới gặp may mắn trong chuyện tình yêu.
Còn ở Argentina, những bộ đồ lót màu hồng sẽ mang tới một năm mới lãng mạn
Gần giống với nước Ý, tại Argentina, nếu bạn mặc đồ lót màu hồng vào đêm Giao thừa thì điều đó có nghĩa là bạn đang tìm kiếm tình yêu trong năm mới.
Đồ lót màu hồng được giới trẻ Argentina ưa chuộng trong dịp năm mới.
Tại Colombia và Ecuador, người ta châm lửa đốt những con bù nhìn để loại bỏ những điều không tốt
Người dân nơi đây thường làm những con rối lớn hoặc bù nhìn trông giống người mà họ không ưa hoặc những người đã chết trong năm vừa qua rồi đốt chúng để loại bỏ những điều không hay xảy ra.
Chuông đón năm mới được rung đúng 108 lần trong đêm Giao thừa ở Nhật Bản
“Joya no kane” là nghi lễ truyền thống vào đêm giao thừa ở Nhật và thường được tiến hành tại các đền thờ Phật giáo. Truyền thống này bắt nguồn từ Phật giáo, theo đó, những chiếc chuông được rung 108 lần – con số tượng trưng cho những ham muốn của con người và đồng thời cũng là số nguyên nhân gây nên khổ đau theo quan niệm Phật giáo.
Tiếng chuông vang lên vào thời khắc chuyển giao giữa năm cũ và năm mới sẽ giúp xua tan những điều tiêu cực trong tâm tính của mỗi người.
Ở Đức, mọi người thưởng thức “krapfen” hoặc bánh donut vào đêm Giao thừa
Loại bánh này có nhiều tên gọi khác nhau như: krapfen, Kreppel, Krebbel hay Berliner và được coi là một món ăn không thể thiếu trong ngày lễ đón năm mới của người Đức.
Chúng thường chứa đầy mứt quả hoặc sô-cô-la bên trong nhưng đôi khi mù tạt cũng được cho vào để làm một trò chơi khăm bạn bè và những vị khách.
Ở Johannesburg, Nam Phi, người ta ném đồ nội thất qua cửa sổ để có một khởi đầu mới
Nếu bạn đang ăn mừng năm mới ở Hillbrow, Johannesburg thì hãy cẩn thận với những món đồ biết bay. Ném đồ đạc từ các tòa nhà cao tầng đã bị lên án như một truyền thống nguy hiểm trong những năm gần đây và đã trở nên ít phổ biến hơn trước rất nhiều.
Mọi người thường ném tủ lạnh cũ, ghế sofa và nhiều đồ đạc bỏ đi khác qua cửa sổ trong đêm Giao thừa như một cách để vứt bỏ đi những vấn đề cũ và chào đón một sự khởi đầu mới tốt đẹp hơn.
Ở Hy Lạp, hành tây được treo ở cửa trước vào đêm Giao thừa để biểu hiện sự tái sinh và phát triển
Truyền thống này có liên quan đến cây hành biển – một loại cây độc hại phát triển ở Crete và trông giống như một củ hành tây lớn. Loại cây này có khả năng tiếp tục phát triển lá và hoa mới ngay cả khi bị bật rễ. Bằng việc treo hành biển hoặc hành tây trước cửa, người ta tin rằng sức sống kiên cường cùng sự may mắn từ chúng sẽ truyền sang cho họ.
Sáng hôm sau, cha mẹ sẽ đánh thức con cái bằng cách gõ nhẹ những củ hành vào đầu chúng để chúng thức dậy và chuẩn bị đi nhà thờ.
Tại Chile, người ta dành cả đêm ở nghĩa trang với những người thân yêu đã qua đời
Đã thành thông lệ từ lâu, người dân ở Talca – một thành phố nhỏ thuộc Chile đều đón năm mới cùng những người thân yêu của mình tại nghĩa trang thành phố dù họ đã “sang thế giới bên kia”.
Phong tục có phần rùng rợn của người dân Talca.
Người Thổ Nhĩ Kỳ và Armenia ném hạt lựu xuống đất để gặp nhiều may mắn
Người Thổ Nhĩ Kỳ và Armenia cho rằng lựu có màu sắc và hình dạng khá giống trái tim của con người và tượng trưng cho cuộc sống, khả năng sinh sản và sức khỏe.
Việc bóc một quả lựu vào đêm Giao thừa ở Thổ Nhĩ Kỳ được cho là biểu hiện của sự giàu có và thịnh vượng trong năm mới sắp tới. Trong khi đó, ở Armenia, hạt lựu được ném xuống đất để cầu mong may mắn. Họ quan niệm càng nhiều hạt lựu được ném xuống đất thì năm mới sẽ càng thành công.
Mọi người ăn mặc giống những con gấu và nhảy múa vào ngày đầu năm ở Romania để tránh những thế lực đen tối
Ban đầu đây chỉ là một nghi lễ ngoại giáo để xua đuổi những thế lực “hắc ám” nhưng dần dần nó đã trở thành một truyền thống độc đáo ở Romania vào đêm Giao thừa.
Vũ công ăn mặc giống loài gấu ở những khu rừng địa phương và cùng nhau nhảy múa để tiễn biệt năm cũ, chào đón năm mới.
Người Estonian ăn bảy, chín và thậm chí là 12 lần vào đêm Giao thừa để cầu mong lương thực dồi dào trong năm tới
Ở Estonia, số 7, 9 và 12 được coi là may mắn và nếu một người ăn bằng ấy lần vào năm mới thì người đó sẽ có được sự thịnh vượng và sức mạnh của những con số này. “Phiên bản cải tiến” hiện đại hơn của phong tục này là người ta có thể thưởng thức bữa ăn gồm bảy món.
Người Ecuador cầm một chiếc vali rỗng và chạy vòng quanh để lấy may mắn
Người Ecuador thực hiện điều này với mong muốn những chuyến đi trong năm tới của họ sẽ diễn ra suôn sẻ. Nếu không muốn chạy, bạn có thể cầm xách vali ra vào cửa chính 12 lần.