Kính lọc (filter) cho máy ảnh & những điều cần biết

Kính lọc máy ảnh tốt nhất

Kính lọc (filter) là chủ đề nâng cao trong nhiếp ảnh. Thường khi mới bắt đầu, chỉ riêng máy và lens đã quá đủ để làm người ta loạn lên rồi. Vì thế những người mới thường tránh hẳn, không muốn đề cập thêm tới kính lọc hay flash. Tuy nhiên sớm hay muộn, đến một lúc nào đó, các nhiếp ảnh gia sẽ phải đối mặt với những chủ đề rất khó mà chỉ riêng máy hay lens thì không giải quyết được. Đó là lúc phải nghĩ tới kính lọc.

Các loại kính lọc khác nhau

Mắt và bộ não của con người là những cấu trúc quang học siêu việt có khả năng phân giải xử lý cực tốt. Trong những tình huống  đủ sáng, máy ảnh và lens tạm ổn so với mắt người nhìn. Tuy nhiên khi chụp ngược sáng, thiếu sáng, khung cảnh tương phản cao… thì máy ảnh không thể làm tốt như mắt người. Nếu đi trên đường bắt gặp các đôi đi chụp ảnh, bạn hãy thử quan sát mà xem, chắc chắn sẽ có nháy chụp xong rồi lắc đầu lúng túng vì ảnh ra không như mắt người thấy. Để có được khả năng siêu việt gần như mắt người, Nhà sản xuất tạo ra những bộ máy và ống kính lên tới hàng trăm nghìn, thậm chí hàng triệu $, và cũng chỉ những nhà sản xuất phim Holywood mới dùng tới. Còn với người dùng nghiệp dư, cách tốt nhất là dùng thêm phụ kiện như kính lọc.

Kính lọc có rất nhiều loại, tuy nhiên thực tế chúng ta chỉ cần quan tâm khoảng 3, 4 loại là đủ.
1. Kính lọc bảo vệ gồm UV và clear filter
2. Kính lọc phân cực – polariser filter
3. Kính lọc giảm cường độ sáng – Neutral density filter (viết tắt ND filter)
4. Kính lọc độ sáng theo vùng – Graduated Neutral density filter (viết tắt GND filter)
5. Kính lọc hiệu ứng đặc biệt

1. Kính lọc bảo vệ gồm UV và clear filter

Kính lọc bảo vệ lens khỏi xước vỡ

Trên thế giới người ta chia 2 loại khác nhau là clear filter – loại kính lọc không làm nhiệm vụ gì cả ngoài việc bảo vệ ống kính, và loại UV filter – kính lọc ngăn chặn tia cực tím. Ở Việt Nam, đại đa số dùng kính lọc UV cho cả 2 nhiệm vụ: lọc tia cực tím và bảo vệ lens. Kính lọc được vặn xoáy theo ren vào lens nên thường rất khít và ngăn chặn được bụi bặm, bùn đất, chất bẩn.

Lưu ý: Kính lọc không ngăn được nấm mốc. Vì vậy trời nồm ẩm phải bảo quản máy ảnh trong hộp/tủ chống ẩm cẩn thận.

Kính lọc có nhiều đường kính khác nhau để phù hợp từng loại lens, đường kính càng to thì càng đắt:

– 40mm
– 49mm
– 52mm
– 55mm
– 58mm
– 62mm
– 67mm
– 72mm
– 77mm
– 82mm

Các kích thước kính lọc khác nhau

Các loại kính lọc UV nổi tiếng trên thị trường hiện nay:

– Filter Trung Quốc (Giá 100-300k)
– Filter Nhật Marumi (Giá trung bình 300k)

– Filter Nhật Daisee (Giá trung bình 300k)

– Filter Nhật Hoya / Kenko (Giá trung bình 300k-500k)


– Filter Đức B&W (Giá trung bình 500k- 1.3 triệu)

– Filter Canon (600k – 12 triệu)

– Filter Tiffen (2 triệu tới 12 triệu)

Những thương hiệu được sử dụng rộng rãi phổ biến nhất là Hoya, Kenko và B&W.

Lưu ý: Kính lọc UV chất lượng kém có thể gây ảo ảnh (ghost) và giảm chất lượng ảnh đáng kể

Bạn có thể tham khảo một số mẫu Filter bán chạy trên Amazon > tại đây

 

2. Kính lọc phân cực – polariser filter

Để hiểu tường tận kính lọc phân cực hoạt động nguyên lý như thế nào là một điều rất khó khăn. Bạn sẽ phải đọc một mớ lý thuyết dài kinh khủng về sóng ánh sáng dao động như nào, khuếch tán ra làm sao, bộ lọc polariser sẽ loại bỏ các sóng nào, dựa trên nguyên lý phân cực tuyến tính hoặc phân cực xoay vòng… Tóm lại để khỏi phải nhức đầu, bạn hãy hình dung đơn giản: Kính lọc phân cực giống hệt chiếc kính râm chúng ta vẫn hay dùng. Chiếc kính lọc này loại bỏ các tia sáng khuếch tán và phản chiếu thừa. Vì vậy nó sẽ giúp chúng ta đạt được những hiệu ứng sau:
– Làm bầu trời xanh đẹp hơn, mây nổi khối tương phản cuồn cuộn hơn

Bên trái không kính lọc – Bên phải có kính lọc CPL

– Làm giảm hình ảnh tương phản trên bề mặt kính, nhìn xuyên vào bên trong được

Bên trên không kính lọc – Bên dưới có kính lọc CPL

– Làm giảm sự phản chiếu trên bề mặt cây cối, hoa lá, làm màu sắc thực và sống động hơn

Bên trái có kính lọc CPL – Bên phải không có kính lọc

– Giảm hình ảnh phản chiếu trên bề mặt nước

Bên trái không có kính lọc – Bên phải có kính lọc CPL

Kính lọc phân cực có 2 loại là phân cực tuyến tính (linear polarizer filter) và phân cực xoay vòng (circular polarizer filter – viết tắt là CPL). Ngày nay phần lớn người ta dùng kính phân cực xoay vòng CPL.

Kính lọc phân cực gồm 2 phần, một phần gắn cố định vào lens, phần kia có thể xoay được, như các bạn thấy trong video dưới đây. Việc xoay vòng tròn đó sẽ làm thay đổi hiệu ứng của kính lọc.

Kính lọc phân cực sẽ làm ảnh tối đi 2 stops. Bạn cần lưu ý để sử dụng cho đúng.

Các thủ thuật khi sử dụng kính lọc phân cực

Cách dùng kính lọc phân cực

– Kính lọc phân cực cho hiệu ứng mạnh nhất khi chúng vuông góc với mặt trời. Hãy giơ ngón trỏ lên mặt trời, ngón cái để vuông góc. Hướng của ngón cái là hướng bạn cần trỏ lens theo.
– Hãy xoay kính lọc từ tốn chậm rãi để chọn ra góc xoay có hiệu ứng mạnh nhất
– Kính lọc phân cực tạo hiệu ứng không đồng đều trên lens góc rộng, theo đó một phần trời sẽ tối hơn phần khác. Bạn cần lưu ý điều này để xử lý hậu kỳ

Các loại kính lọc phân cực phổ biến hiện nay

Giá giao động tùy vào đường kính của kính lọc, đường kính 52mm sẽ rất rẻ, trong khi 82mm sẽ rất đắt

– Filter Trung Quốc (Giá 150k – 1.2 triệu)

– Filter Nhật Hoya / Kenko (Giá trung bình 500k-2 triệu)

– Filter Đức B&W (Giá trung bình 800k- 3.2 triệu)

3. Kính lọc giảm cường độ sáng – Neutral density filter (viết tắt ND filter)

Kính lọc loại này làm giảm cường độ sáng tới lens, theo đó giúp bạn có thể phơi sáng ngay trong điều kiện ban ngày. Ví dụ bạn cần phơi sáng thác nước chẳng hạn.

Khi mua kính lọc ND, bạn cần quan tâm nó sẽ làm giảm độ sáng đi bao nhiêu lần (tiếng anh gọi là stop). Ví dụ giảm độ sáng 3 stops, trên kính lọc sẽ có ký hiệu 0.9ND hay 9ND.

Các ký hiệu:
0.3 tương đương 1 stop
0.6 tương đương 2 stops
0.9 ~ 3 stops
1.2 ~ 4 stops
1.5 ~ 5 stops

Có các loại kính lọc ND có thể lên tới 10 stops

Phơi sáng ban ngày với kính lọc ND giảm 10 stops

Các loại kính lọc ND phổ biến ở Việt Nam

Kenko, Hoya, Marumi, với giá từ 500k (52mm) tới 2.1 triệu / chiếc (82mm).

Những kính lọc ND của B&W tốt hơn và đắt hơn: từ 1.1 triệu tới 3.2 triệu.

 

4. Kính lọc độ sáng theo vùng – Graduated Neutral density filter (viết tắt GND filter)

Kính lọc độ sáng theo vùng là loại kính lọc gồm 2 phần, 1 phần tối và 1 phần sáng. Kính lọc loại này chủ yếu để chụp phong cảnh, khi bầu trời quá sáng so với mặt đất.

Hiệu ứng khi sử dụng kính lọc GND như hình dưới đây, nó giúp cân bằng lại bầu trời quá sáng

Khác với kính lọc UV và phân cực, kính lọc GND có cả loại tròn và loại vuông. Loại tròn cấu tạo giống kính lọc bình thường. Loại vuông thì khác hơn, bao gồm 1 khay đỡ kính lọc bắt vào đầu lens (gọi là filter holder). Khay đỡ này thường cài được 3 kính lọc cùng lúc.

Kính lọc hình vuông và khay đỡ

Kính lọc GND cũng có thông số giảm độ sáng như kính lọc ND. Các ký hiệu gồm:
0.3 tương đương 1 stop
0.6 tương đương 2 stops
0.9 ~ 3 stops
1.2 ~ 4 stops
1.5 ~ 5 stops

Kính lọc GND còn có 2 loại hard và soft, để mô tả việc chuyển đổi từ vùng tối sang sáng. Loại Hard sẽ chuyển từ tối sang sáng ngay, trong khi loại Soft sẽ tối dần dần sang sáng. Hard phù hợp với chụp phong cảnh bầu trời/mặt đất khi đường chân trời rõ ràng. Còn Soft phù hợp với chụp bầu trời, núi, mặt đất, khi đường chân trời không rõ ràng

Ở Việt Nam, bạn nên có cả 2 loại GND hard và soft, với khoảng 3 stops là vừa.

Loại hard edge bên trái chuyển từ tối sang sáng ngay / Loại soft edge bên phải tối dần dần sang sáng

Các nhãn hiệu phổ biến (xếp từ bình dân tới xịn nhất):
– Kính lọc GND Trung Quốc (500-800k / 1 bộ)

Kính lọc TianYa của Trung Quốc gắn trên Cokin Holder

– Kính lọc Cokin P Series – dành cho lens cỡ nhỏ dưới 77mm (1.8 triệu /1 bộ gồm 3 kính lọc vuông 1/2/3 stops và 1 filter holder)

– Kính lọc Cokin Z Series – dành cho mọi lens (4.3 triệu/bộ gồm 3 kính lọc vuông cỡ lớn 1/2/3 stops và 1 filter holder)

– Kính lọc Benro – filter holder khoảng 1.8 triệu, kính lọc từ 1.8 triệu tới 2.8 triệu/chiếc

 

– Kính lọc cao cấp Lee Filter – filter holder khoảng 2.5 triệu, 1 bộ kính lọc 3 miếng 1, 2, 3 stops giá từ 6 – 6.7 triệu

5. Kính lọc hiệu ứng đặc biệt

Những kính lọc này hiện nay cũng ít người sử dụng, do một phần máy ảnh đã mạnh hơn nhiều, và các phần mềm xử lý ảnh cũng đã trở nên rất bá đạo.

a. Kính lọc chụp phóng đại (closeup filter) – Dùng như một chiếc kính lúp

b. Kính lọc màu – do máy ảnh hiện nay kiểm soát cân bằng trắng rất tốt, cộng với photoshop và lightroom đã trở nên rất mạnh nên ở Việt Nam ít người dùng

c. Kính lọc hồng ngoại – tạo hiệu ứng như nhìn qua kính hồng ngoại

d. Kính lọc hiệu ứng ngôi sao – Ví dụ Marumi star filter

 

Kết luận

Kính lọc là một chủ đề rộng lớn và dành cho người đã ít nhiều có kinh nghiệm. Nếu bạn mới chơi thì chỉ cần quan tâm đến kính lọc UV là đủ. Còn bạn là người chụp phong cảnh được một thời gian, thì chắc chắn bạn sẽ cần tìm hiểu và sắm cho mình một bộ kính lọc CPL, ND và GND. Và khi dùng những kính lọc này đúng cách, bạn sẽ chụp được những hình ảnh rất ấn tượng và gần giống mắt người nhìn thấy nhất.

Tham khảo các mẫu kính lọc chính hãng tại đây

Kính lọc (filter) cho máy ảnh & những điều cần biết
4.5 trên 294 đánh giá

Để lại một bình luận

Email của bạn sẽ không được hiển thị công khai. Các trường bắt buộc được đánh dấu *

DMCA.com Protection Status