Bài viết sau đây sẽ không nhằm mục đích phân hạng đối với các thương hiệu tai nghe mà chính xác hơn là phân loại chúng ra riêng mỗi hạng mục từ cao cấp đến tầm trung và thông thường. Từ đó bạn đọc có thể đánh giá được những điểm mạnh cũng như tiêu chí sản phẩm riêng của mỗi thương hiệu được đề cập và có thể lựa chọn cho mình một chiếc tai nghe vừa ý.
Các thương hiệu “ông lớn”
Đây có thể nói là những đại gia trong thị trường tai nghe nói riêng và thiết bị âm thanh nói chung, sở hữu các dòng sản phẩm được hầu hết khách hàng yêu thích và tin dùng. Đây cũng là những đơn vị chủ chốt với sức ảnh hưởng rất lớn, có thể làm lay chuyển thị trường bằng các phương hướng kinh doanh mới của mình.
Apple/Beats
Beats sở hữu đến hơn 50% thị phần tai nghe cao cấp (các sản phẩm có mức giá trên $100). Giờ đây dưới quyền sở hữu từ Apple, Beats dần dần xâm nhập thêm vào thị trường thiết bị thông minh và đã có những ảnh hưởng khá mạnh trang khoảng thời gian 2-3 năm qua. Tai nghe của Beats (nhất là các dòng Monster) thường bị chê bai rất nhiều bởi chất âm quá tầm thường, tuy vậy khái niệm này chỉ đúng với khoảng cách đây 5 năm thôi. Hiện nay đội ngũ thiết kế và phát triển tai nghe của Beats đã được đầu tư rất đầy đủ, sẵn sàng cung cấp cho thị trường những chiếc tai nghe có chất âm tuyệt hảo không thu bất cứ thương hiệu tai nghe chuyên nghiệp nào. Fan ruột của Apple sẽ rất tự hào với Solo3 Wireless sở hữu phạm vi kết nối bluetooth cực xa, thời lượng sử dụng trên 40 giờ cùng chất âm ấp áp dễ chịu.
Beats và Apple hiện đang giữ vững vị trí thương hiệu hàng đầu, đồng thời ngày càng phát triển công nghệ để trau chuốt thêm cho chất âm của những chiếc tai nghe cao cấp của mình. Nếu chỉ bàn riêng về công nghệ mới, Apple rõ ràng có đủ nguồn lực về kinh tế để có phát triển đến mức cao nhất.
Sennheiser
Sennheiser sở hữu một dàn các dòng tai nghe cao cấp với chất lượng vô cùng tuyệt vời, cộng thêm kiểu dáng cùng thiết kế đa dạng phù hợp với đa số nhu cầu sử dụng và sở thích của khách hàng. Chúng ta có thể nhắc đến dòng tai nghe không dây “RS” chuyên dụng cho các thiết bị media như TV hay đầu phát HD, hay sản phẩm tai nghe HD 202 với mức giá chỉ $35 nhưng lại là một trong những chiếc tai nghe entry-level vào hàng bậc nhất.
Tuy cũng ra mắt một số tai nghe “bom xịt” như HD 700 hay HD 560, Sennheiser vẫn được dân audiophile đánh giá rất cao qua hai sản phẩm tai nghe hàng đầu là HD 600 và HD 650. Tai nghe của Sennheiser luôn kết hợp được các tinh túy của chất lượng âm thanh cao cấp và những tính năng thông minh nổi bật của công nghệ hiện nay một cách hiệu quả nhất.
Bose
Bose không quá bắt mắt khách hàng về kiểu dáng tai nghe và chất lượng âm thanh cũng chỉ đến mức khá-tốt, tuy vậy khi nói về tính năng chống ồn thì không hãng nào qua mặt được “ông lớn” này. Thương hiệu nổi bật với dòng tai nghe Quiet Comfort sở hữu tính năng chống ồn với chất lượng có một không hai, đặc biệt là phiên bản tai nghe mới Quiet Comfort QC35.
Điểm yếu duy nhất của Bose có lẽ chính là sự “thức thời” chưa tốt. Lấy ví dụ từ chiếc tai nghe PXC 550 của Sennheiser với cả chất âm và độ chống ồn đều kém hơn so với QC35, nhưng lại được ưu chuộng hơn nhiều. Lý do là PXC 550 co thiết kế mới mẻ, đánh vào tâm lý thời trang và tiện dụng cho người dùng, còn QC35 thì vẫn có một nét gì đó “cổ kính” quá và cũng thiếu đi một số tính năng thời thượng.
Sony
Kể từ khi người dùng chuyển sang máy nghe nhạc iPod và smartphone hay nghe nhạc qua streming và bluetooth, dòng máy Walkman không còn quá được ưa chuộng nữa, vì thế nền móng của Sony trong lĩnh vực âm thanh cao cấp cũng lung lay theo. Có một thời gian Sony còn đi theo con đường gây khá nhiều tranh cãi, đó là làm lại những chiếc tai nghe cũ và dán mác Extra Bass, gây ra sự khó hiểu và e dè từ người dùng, ngay cả đối với các fan ruột đã yêu quý thương hiệu này từ lâu.
Gần đây với các dòng sản phẩm cao cấp mới như MDR-1A ($299), h.ear on ($199) và MDR-1000X ($349), Sony dần dần chiếm lại ưu thế của một “ông anh” lâu năm trong thị trường thiết bị âm thanh. Hãng còn tung ra các sản phẩm premium với chất lượng hàng đầu như MDR-Z1R ($2299), NW-WM1Z ($3199) hay TA-ZH1ES DAC/Amp ($2199) để thu hút thêm sự chú ý từ lớp người dùng chuyên nghiệp. Nói cho cùng, thị trường hiện nay đã phát triển rất nhiều so với trước kia, ra mặt rất nhiều những “ông lớn” lâu năm lẫn các “đại gia” mới nổi. Sony phải làm nhiều và nhiều hơn nữa để có thể giữ vững vị thế của mình.
Skullcandy
Nếu nói về những chiếc tai nghe dành riêng cho giới trẻ và giới tuổi teen, chúng ta không thể không nhắc đến cái tên Skullcandy. Không quá nổi bật và cũng không được ưa chuộng là mấy từ giới audiophile, Skullcandy vẫn sống khỏe khi đặt chiếc tai nghe của mình vào vai trò của một món đồ chơi hơn là một chiếc tai nghe đơn thuần. Gọi là “đồ chơi” thế thôi, nhưng chất lượng của tai nghe Skullcandy vẫn tốt hơn nhiều so với đa số những đối thủ cạnh tranh cùng hạng.
Thương hiệu Skullcandy nổi bật với Mix Master ($299), Aviators ($149) hay Crusher ($99) mang mức giá rẻ và màu sắc bắt mắt, vô cùng phù hợp với giới trẻ từ 15-25 tuổi. Có thể nói tuy không sánh vai cùng các “ông lớn” nói trên về chất lượng và công nghệ, nhưng Skullcandy đã làm tốt việc tạo ra một thị trường cho riêng mình và làm chủ nó.
Shure
Shure là hãng âm thanh cao cấp chuyên nghiệp và họ tự biết điều đó. Cũng bắt đầu từ những sản phẩm tai nghe chạy theo nhu cầu và cạnh tranh thị phần, Shure dần dần trở về ngọn nguồn của mình với các dòng tai nghe riêng biệt dành cho người dùng cao cấp. Hai chiếc tai nghe SE-535 ($449) và SRH1540 ($499) sở hữu chất lượng tuyệt hảo làm nao lòng ngay cả những thính giả khó tính nhất.
Xét về hướng phát triển, Shure cũng tương đồng với Skullcandy khi làm tốt việc tạo ra thị trường cho riêng mình, từ đó có thể đặt nền móng và “nhăm nhe” thị phần từ các thương hiệu khác khi cần thiết.
Philips
Philips là thương hiệu hàng điện tử nổi tiếng với lượng công ty và nhà máy sản xuất trải khắp thế giới. Mảng thiết bị âm thanh của Philips và thương hiệu âm thanh gia đình Philips Fidelio hiện đang dưới quyền quản lý của Gibson Innovations. Các sản phẩm nổi bật rất được yêu thích của Philips gồm Philips Fidelio X2, hay các phiên bản giá rẻ Philips TX1 ($29) và TX2 ($39). Tuy nhiên vì đi theo hướng phát triển điện máy, mảng âm thanh của Philips vẫn khá ít được biết đến và do đó không được ưa chuộng cho lắm.
JBL
JBL nằm dưới trướng của Harman và luôn thay đổi dự trên nhu cầu cũng như chiến lược của đơn vị chủ quản này. Gần đây Harman xảy ra nhiều biến động, bắt nguồn từ việc đóng cửa nhà máyAKG ở Vienna đến sự bắt tay hợp tác mảng phát triển tai nghe cùng Sean Olive. Mới đây nhất, Harman vừa về đầu quân cho Samsung với giá 8 tỷ USD, kéo theo ảnh hưởng đến các thương hiệu âm thanh như JBL®, Harman Kardon®, Mark Levinson®, AKG®, Lexicon®, Infinity® và Revel® cùng Bowers & Wilkins® và Bang & Olufsen® ở mảng di động.
Tuy không có gì quá nổi trội tuy nhiên sau hợp đồng mua bán này chúng ta sẽ có thể hy vọng vào một tương lai tươi sáng hơn cho JBL.
Các thương hiệu cao cấp hạng vừa đáng chú ý
Sau đây là một số thương hiệu tai nghe được người dùng yêu thích và tin tưởng tuy nhiên không có nền móng và tiềm lực như các “ông lớn” nói trên. Đây được xem như những phân khu riêng trên tổng thị phần thế giới, với các điểm mạnh yếu và phân khúc người dùng khác nhau. Các thương hiệu sẽ được đặt theo thứ tự chữ cái ABC.
AKG
AKG có tiềm năng rất tốt trong thị trường âm thanh nhờ những dòng sản phẩm chất lượng cũng như ý tưởng thiết kế độc đáo. Tuy vậy nó vẫn còn phải cố gắng rất nhiều nếu không muốn bị nhấn chìm trong tương lai bởi những thương hiệu cao cấp mới nổi. Sự ra đời của K812 ($1499) gần đây hay các phiên bản làm lại từ dòng tai nghe K7XX thực sự đang làm cho người dùng ngán ngẩm vì không có gì đổi mới. Cũng như JBL, AKG rất có tiềm năng tuy nhiên chưa được tận dụng đúng mực.
Audio Technica
Audio Technica có lẽ sẽ chiếm được một vị trí trên danh sách “ông lớn” nếu không vì các dòng tai nghe quá bình thường được giới thiệu trong năm nay. Thêm vào đó, thiết kế headband “3D Wing Support” dường như chỉ là động thái đánh cược cùng các hãng khác chứ không hoàn toàn là một thiết kế hỗ trợ hoàn chỉnh, vì nó có hiệu quả rất thấp (nhiều người còn nói làm vướng víu và nặng hơn).
Dĩ nhiên cũng không thể bỏ qua các dòng tai nghe cao cấp của hãng như IEM SonicPro ATH-IM02 ($299), ATH-MSR7 ($249) hay ATH-M50x ($189) luôn được dân audiophile tin tưởng và bình chọn. Audio Technica hiện đang sở hữu một cơ hội phát triển lớn, điều cần thiết là phải làm sao tận dụng được cơ hội này một cách xác đáng.
Beyerdynamic
Tương tự như Audio Technica, Beyerdynamic sở hữu cả những dòng tai nghe “bom tấn” và “bom xịt”, cộng thêm lịch trình sản phẩm không đều đặn làm người dùng rất hoang mang. Beyerdynamic cũng không phải là thương hiệu hàng đầu hay có ảnh hưởng gì đến xu hướng tiêu dùng chung của thị trường
Tuy vậy, xét theo nhiều yếu tố Beyerdynamic vẫn giỏi hơn Audio Technica về khoản thâm nhập thị trường tai nghe cao cấp vốn đang rất chật chội như hiện nay. Các sản phẩm tai nghe Tesla như T1 ($1199), DT1350 và T 51 p ($289) có chất lượng rất tốt và được đa số người dùng tin cậy. Phân khúc giá rẻ của Beyerdynamic cũng nổi bật với DTX 350 m ($59) và DT 235 ($69), cung cấp cho người dùng thông thường và tầm trung thêm các lựa chọn phù hợp túi tiền.
Beyerdynamic cần cố gắng hơn rất nhiều để có thể trở thành tên tuổi đáng nhớ trong thị trường tai nghe chuyên nghiệp, mang lại cho người tiêu dùng cái nhìn tin tưởng hơn.
Creative
Creative sở hữu cả thương hiệu đáng tin cậy, kỹ năng thương mại tốt và nguồn lực dồi dào. Những dòng tai nghe Creative luôn là người chiến thắng khi so sánh với các đối thủ cùng đẳng cấp. Chan Ming Tat, trưởng ban nghiên cứu công nghệ âm thanh E-Mu Systems của Creative đã nâng cấp chiếc tai nghe Creative Aurvana Live! với earcup gỗ, tạo nên chiếc tai nghe mới E-mu Walnut ($149) có chất âm ngọt ngào và quyến rũ hơn. Dòng sản phẩm Denon AH-DX000 cũng được làm lại thành E-Mu Teak (~$700), cộng thêm các phiên bản với nhiều loại gỗ đa dạng như Mahogany, Rosewood hay Ebony.
Nói chung, điểm lợi gì Creative cũng có cả, họ chỉ cần chú tâm vào làm là sẽ thành công dễ dàng và nhanh chóng.
Denon
Denon đã có những động thái gây tranh cãi khi bỏ rơi các thiết kế cũ của mình mà tập trung vào các dòng sản phẩm mới hơn (và hình như dở hơn) như hiện nay. Tuy chưa thể nói được điều gì, nhưng với hướng phát triển hiện tại, Denon có thể sẽ đi vào dĩ vãng mãi mãi.
Fostex
Fostex gần đây đã chính thức tấn công thị trường tai nghe cao cấp với TH900Mk2 ($1499) và TH610 ($599) sở hữu chất âm cực hay so với tầm giá. Thương hiệu này còn phát triển thêm dòng tai nghe planar magnetic RP dành cho người dùng chuyên nghiệp và bán chuyên nghiệp với mức giá rẻ cùng thiết kế bền bỉ. Chiếc tai nghe T50RP ($129) còn được bàn luận sôi nổi trên các diễn đàn modding, tạo nên một fanbase rất lớn cho Fostex và các sản phẩm của mình.
Chỉ cần phân bố các nguồn lực hợp lý với định hướng rõ ràng, Fostex sẽ có thể đứng vững trong phân khúc tai nghe cao cấp mà không phải quá lo ngại về cạnh tranh trong tầm giá.
Koss
Nhắc đến Koss không audiophile nào lại có thể quên được chiếc tai nghe cách mạng hóa mảng nghe nhạc di động Porta-Pro ($49). Ra đời năm 1984, Porta-Pro vẫn đang là sản phẩm tai nghe được khuyến nghị bởi đa số người nghe nhạc chuyên nghiệp nhờ vào chất lượng cùng mức giá rất rẻ của nó. Hãng còn có thêm các dòng cao cấp như ESP-950 ($999), SP330 ($129) hay KSC35 ($44.99) rất được ưa chuộng bởi thiết kế tiện dụng và giá tốt.
Tuy nhiên Koss lại dính vào vết xe của đa số các hãng tai nghe lâu năm: đó chính là sự hoài cổ. Tai nghe của Koss mang kiểu dáng rất bình thường thậm chí hơi quê mùa. Koss dĩ nhiên có khả năng làm hơn thế nhưng không hiểu vì sao họ luôn xem nhẹ chi tiết này. Kết quả là với những chiếc tai nghe giá tốt và chất lượng cao, Koss vẫn dậm chân ở vị trí bình bình tầm trung và khó tiếp cận với người dùng mới, nhất là giới trẻ đòi hỏi thiết kế thời trang và thanh lịch.
Monster
Monster chú trọng cực nhiều vào quảng cáo và thời trang mà bỏ qua tính chất quan trọng nhất của một chiếc tai nghe: chất lượng âm thanh. Các tai nghe của Monster đa phần là từ dở đến trung bình – khá, gần như không có chiếc tai nghe nào đạt đến mức hay chứ đừng nói là tuyệt hảo. Các fan của Monster chủ yếu là người hâm mộ thần tượng và sẵn sàng mua những gì mà thần tượng của họ đang cầm trên tay.
SOL
Đây là thương hiệu được thành lập bởi Kevin Lee, sáng lập viên của Monster Cable. Tai nghe của SOL cũng chỉ có chất lượng âm thanh trung bình và chạy đua nhiều về thời trang và quảng cáo thần tượng. Có thể xem như đây là anh-em hay chị-em gì đó của Monster.
Ultrasone
Ultrasone cũng đã có mặt từ lâu trên thị trường thiết bị âm thanh và chú trọng riêng vào mảng tai nghe cao cấp. Hãng cũng phát triển thêm công nghệ âm S-Logic độc quyền để tô điểm thêm cho các dòng sản phẩm của mình. Tuy nhiên có thể do quảng bá chưa tốt nên cái tên Ultrasone sẽ còn khá lạ đối với người dùng tầm trung, đặc biệt là với người nghe không chuyên. Một số bài đánh giá còn tỏ ra chê trách công nghệ âm thanh S-Logic làm âm thanh không trung thực. Tuy vậy đây có thể chỉ là các ý kiến cá nhân và sẽ khác nhau ở mỗi người. Tai nghe của Ultrasone đôi khi cũng có mức giá khá đắt.
V-Moda
V-Moda được dân basshead ưa chuộng bởi chất bass hay và chi tiết gần như không có đối thủ. Mỗi mẫu tai nghe của V-Moda đều được thiết kế kỹ lưỡng, toát nên một vẻ cao cấp và độc đáo riêng biệt khó tìm thấy ở những dòng tai nghe cùng tầm giá. Crossfade M-100 ($310) hay V-Moda XS ($212) là những sản phẩm rất được yêu thích, sở hữu chất âm rất trung thực và chi tiết.
Nếu V-Moda có thể tiếp tục được xu hướng thiết kế và chất lượng sản phẩm như hiện nay thì trong tương lai không xa, thương hiệu này sẽ có khả năng leo lên thứ hạng rất cao, sánh ngang cùng các hãng lớn trong làng thiết bị âm thanh trung – cao cấp.
Các thương hiệu cao cấp được ưa chuộng bởi người dùng chuyên nghiệp
Sau đây là một số thương hiệu tai nghe mà khi được nhắc đến, người nghe sẽ cảm nhận được cả sự cao cấp ngay từ trong tên gọi của chúng. Không chiếm lượng thị phần đại trà và cũng không có sức ảnh hưởng quá lớn lao như các “ông lớn” nói trên, những thương hiệu này tạo ra một thị trường với các tiêu chuẩn đặc biệt cho riêng mình mà ít có thương hiệu nào đủ khả năng chen chân vào được. Thứ tự sắp xếp cũng theo bảng chữ cái.
Audeze
Audeze tăng trưởng cực mạnh trong 5 năm qua, cung cấp cho người dùng các dòng sản phẩm đa dạng từ không chuyên đến cao cấp, và hiện cũng đang nhòm ngó thị trường đại trà với các sản phẩm giá rẻ mới ra mắt. Hãng cũng đã trải qua những cơn khủng hoảng trầm trọng nhưng đã từng bước đứng lên, khắc phục các điểm yếu cũng như làm giàu thêm những điểm mạnh của bản thân. Audeze sở hữu dòng tai nghe hàng đầu LCD với chất lượng ít hãng nào sánh kịp. Dòng tai nghe này của Audeze chỉ mới bắt đầu bị cạnh tranh kha khá từ 2 đối thủ Focal và Mr. Speakers trong thời gian gần đây.
Các phiên bản tai nghe mới của Audeze trong đó có SINE + Cipher Lightning Cable ($499), iSine (iSine10 $399, iSine20 $599) với cấu tạo planar magnetic lại một lần nữa chứng minh tầm nhìn và sức mạnh công nghệ của hãng. Hy vọng Audeze sẽ có thể tiến xa hơn nữa bằng cách tiếp tục ra mắt những sản phẩm tai nghe cao cấp và độc đáo hơn.
AudioQuest
AudioQuest là một thương hiệu thiết bị âm thanh cao cấp được dân audiophile biết đến qua các sản phẩm như amp USB DragonFly hay các dòng tai nghe mới ra mắt là gồm NightHawk và NightOwl. Các dòng tai nghe của hãng rất được yêu thích nhờ vào độ chi tiết cực tốt của dải mid – high và mức méo tiếng rất thấp. Theo động thái thị trường hiện nay, có vẻ như AudioQuest cũng đang cố gắng chuyển dần sang mảng tai nghe cao cấp do thị trường tuy khốc liệt nhưng vẫn màu mỡ hơn nhiều so với nếu chỉ dừng chân ở thị phần tầm trung.
Bang & Olufsen
Sản phẩm của Bang & Olufsen hội tụ đủ các yếu tố chất lượng âm thanh và kiểu dáng thiết kế với những mẫu tai nghe có thể nói rằng “nhìn là yêu”. Tuy vậy, dân audiophile thường đánh giá những chiếc tai nghe đến từ Bang & Olufsen vẫn còn hơi đắt đỏ, chưa cân bằng được giữa tỷ lệ chất lượng và giá thành. Nói chung chúng ta cũng không thể phủ nhận được chất lượng đến từ các sản phẩm của Bang & Olufsen, nhất là đối với người dùng ưa chuộng một chiếc tai nghe vừa hay vừa đẹp và phải thể hiện được cá tính của mình khi đeo.
Bowers & Wilkins
Bowers & Wilkins ra mắt thị trường thiết bị âm thanh bằng mẫu tai nghe portable P5 ($249) và lập tức gây được tiếng vang mạnh mẽ. Sau thành công đó, hãng tiếp tục giới thiệu thêm 2 mẫu khác là P3 và P7, tuy cũng có nhiều nhận xét trái chiều, nhưng nhìn chung vẫn sở hữu chất lượng khá tốt. Tuy nhiên hình như Bowers & Wilkins vẫn chưa quá mặn mà với mảng tai nghe do lâu lâu hãng mới trình làng một phiên bản tai nghe mới. Nếu tiếp tục hướng phát triển như hiện nay, Bowers & Wilkins sẽ có thể đạt nhiều thành công hơn nữa, trở thành thương hiệu có sức ảnh hưởng đối với thị trường tai nghe cao cấp.
Etymotic
Đây là thương hiệu tập trung chính vào nghiên cứu sức khỏe thích giác. Các sản phẩm được ra mắt của Etymotic thường phải qua các kiểm nghiệm rất gắt gao để có thể đạt chất lượng và tính năng theo yêu cầu thiết kế. Các dòng IEM của hãng như ER4, ER4S, ER4P, ER4PT, ER4SR và ER4XR đều sở hữu tiếng treble cực kỳ chi tiết và tự nhiên, được dân nghe nhạc chuyên nghiệp rất yêu thích.
Tuy nhiên với hướng phát triển này, Etymotic sẽ chỉ có thể là một thương hiệu IEM cao cấp trong vô vàn những thương hiệu cao cấp khác hiện nay chứ khó có thể vươn lên làm một gương mặt tiêu biểu. Dù gì chăng nữa chất lượng từ các sản phẩm IEM của Etymotic vẫn rất đáng chú ý và sẽ cạnh tranh mạnh mẽ với các thương hiệu IEM khác.
Focal
Focal giới thiệu mẫu sản phẩm đầu tiên của mình là chiếc tai nghe Spirit One vào năm 2013 có thể nói là một thảm họa, tuy nhiên sau đó hãng đã cố gắng rất nhiều để bù lại các thiếu sót của mình. Vì thế khi ra mắt Focal Spirit Professional ($349) và Classic ($399), Focal nhanh chóng chiếm được sự ưu ái của người dùng cả chuyên nghiệp lẫn không chuyên, tạo tiền đề cho thành công mạnh mẽ như hiện nay.
Gần đây Focal đã trình làng thêm các sản phẩm mới rất nổi bật như Focal Listen ($249), Focal Utopia ($3999) hay Elear ($999), chính thức bước chân vào thị trường thiêt bị âm thanh cao cấp. Tương đồng với mức giá là chất lượng âm thanh tuyệt hảo đã được kiểm chứng bởi giới chuyên gia, các sản phẩm tai nghe của Focal càng thôi thúc người dùng quan tâm và trải nghiệm.
Focal hiện đang là một thương hiệu rất lớn trong làng âm thanh cao cấp, và sẽ còn lớn hơn nữa khi người dùng ngày càng chi tiêu rộng rãi và ưa chuộng các mẫu tai nghe mới lạ với chất lượng âm thanh tốt nhất có thể.
Grado
Từ những năm 90’ Grado đã được xem như một thương hiệu âm thanh cao cấp. Đồng hành thời đó với Grado là Stax, chia nhau thị phần màu mỡ mới được khai thác lần đầu. Tuy nhiên đáng buồn là ngày càng nhiều thương hiệu tai nghe cao cấp xuất hiện và vinh quang của Grado dần chìm vào dĩ vãng. Lý do vì sao?
Các sản phẩm của Grado từ đó đến nay cũng có những thay đổi nhất định, tuy nhiên chi ở mặt cấu tạo và chất liệu mà ít quan tâm đến thiết kế và kiểu dáng. Kết quả là tai nghe Grado từ trước đến nay có kiểu dáng gần như không thay đổi, tạo nên sự nhàm chán ngay cả đối với người dùng lâu năm. Tai nghe Grado cũng rất ít bass và treble thì hơi gắt nên lượng người nghe hợp tai sẽ không nhiều, từ đó càng làm giảm thêm doanh số của hãng.
Có thể nhận định rằng Grado không còn là một thương hiệu tai nghe cao cấp đúng nghĩa nữa mà chỉ như một lớp vỏ bọc thương hiệu mà thôi. Kiểu dáng hoài cổ của những chiếc tai nghe Grado xem ra khá phù hợp với dân hipster (những người ghiền sự cổ điển) cũng như làm tai nghe quảng bá cho các hãng lâu năm như Bushmills, Billy Joel, John Mayer, Dolce & Gabbana hay Microsoft.
Hiện nay Grado chỉ còn được nhắc đến nhiều nhất qua chiếc tai nghe SR60E ($79), tuy vậy nó chỉ là một chiếc tai nghe entry-level, hoàn toàn không phù hợp khi đại diện cho một thương hiệu tai nghe cao cấp.
HiFiMAN
HiFiMAN cũng có chuỗi sản phẩm đa dạng trải dài từ chuyên nghiệp đến không chuyên, mang lại cho người dùng nhiều lựa chọn hợp lý. Những chiếc tai nghe của HiFiMAN tuy vậy lại thường được ra mắt theo kiểu “làm nhanh bán nhanh”, nhiều khi tồn tại những lỗi lặt vặt làm người dùng khó chịu. Dĩ nhiên chế độ bảo hành của hãng vẫn rất tốt, nhưng đôi khi người dùng bị thất vọng hay bực tức từ đó làm giảm đi cảm tình đối với hãng. Đây là một điều cần chú ý của HiFiMAN.
Về chất lượng, HiFiMAN sở hữu khá nhiều sản phẩm được đánh giá cao như RE-600 Songbird ($199), RE-400 Waterline ($79), HE400S ($299) hay HE1000 ($2999) sở hữu công nghệ tiên tiến, chất âm tuyệt hảo cũng như kiểu dáng rất bắt mắt. Nói chung về lâu dài HiFiMAN chắc chắn sẽ trở thành một thương hiệu có sức ảnh hưởng rất lớn trong thị trường âm thanh và được dân audiophile rất ưa chuộng.
Mr. Speakers
Mr. Speakers là thương hiệu chuyên sản xuất tai nghe theo công nghệ planar magnetic, được ra đời từ lòng nhiệt thành và đam mê của những kỹ sư âm thanh chuyên nghiệp. Ban đầu, tai nghe Mr. Speaker chỉ đơn giản là bản độ lại từ Fostex T50RP nhưng dần dần nó được thay thế bằng các linh kiện do chính Mr. Speaker gia công. Gần đây hãng còn giới thiệu các phiên bản thử nghiệm tai nghe electrostatic, hứa hẹn cho ra một sản phẩm tai nghe mới nhất để làm vừa lòng các fan của mình.
Mr. Speakers được ca tụng qua các “tác phẩm nghệ thuật” như Ether ($1499, Ether C ($1499), hay mới đây nhất là Ether Flow ($1800) và Ether Flow C ($1800). Tên mã C biểu hiện cho thiết kế closed-back, cung cấp cho người dùng các lựa chọn phù hợp.
Oppo Digital
Oppo Digital được thành lập vào năm 2004 bởi sáng lập viên Menlo Park dựa trên chi nhánh hoạt động độc lập BBK Electronics. Hãng ra mắt sản phẩm đầu tiên là chiếc đầu DVD có hiệu năng cao giá rẻ, gây tiếng vang trên thị trường thiết bị đa phương tiện cao cấp. Trong khoảng vài năm gần đây, Oppo liên tục giới thiệu các sản phẩm tai nghe planar magnetic như PM-1 ($1099), PM-2 ($699) hay PM-3 ($399), làm ngạc nhiên người dùng bởi chất lượng quá tuyệt vời.
Hãng đang đi theo hướng phát triển “chậm mà chắc” với chỉ một vài mẫu tai nghe cao cấp mỗi năm, khẳng định thương hiệu và ngay lập tức lui vào hậu trường. Điều này tạo nên sự tò mò cho người dùng không biết khi nào thì hãng sẽ bất ngờ tung ra các mẫu tai nghe mới, đồng thời cũng tránh các chiêu trò cạnh tranh của các hãng đối thủ. Tuy thế với định hướng này Oppo sẽ khó có thể vượt lên nắm vị trí cao trong làng tai nghe cao cấp. Có được thì sẽ có mất, thế thôi.
Stax
Stax trình làng chiếc tai nghe electrostatic đầu tiên vào năm 1960 với tên gọi SR-1, và mãi đến thập niên 80 hãng mới quyết định “làm ăn” chính thức trong thị trường tai nghe chuyên nghiệp. Hiện nay nếu bàn đến tai nghe electrostatic, các thương hiệu cũng như các dòng sản phẩm theo thiết kế này chỉ có thể đếm trên đầu ngón tay. Vì thế nên Stax dường như đang ở trên một mặt trận không đối thủ. Hãng chậm rãi giới thiệu các sản phẩm mới của mình, đôi khi “quên” luôn cả cải thiện hiệu năng hay chất âm, chỉ đơn thuần là phát hành sản phẩm mới mà thôi.
Stax được mua lại vào năm 2011 bởi Edifier với giá khoảng 1.5 triệu USD, một khoản không quá lớn. Như được tiếp thêm cảm hứng, Stax cho ra mắt ngay SR-L500 ($1425) và SR-L700 ($720), cung cấp cho người dùng thêm 2 lựa chọn tai nghe electrostatic với mức giá vừa phải. Tuy vậy, với thị trường hiện nay chủ yếu ưa chuộng tai nghe dynamic và planar magnetic (do tai nghe electrostatic thường đòi hỏi một thiết bị amp đặc biệt và đắt tiền để có thể hoạt động tốt), tai nghe electrostatic sẽ có bước tiến không quá xa và chủ yếu dành cho các tay chơi đồ độc mà thôi. Và Stax hình như cũng không quan tâm đến điều này cho lắm.
Lời kết
Qua các nhận xét trên chắc hẳn bạn đọc đã có được một cái nhìn tổng quan về thị trường thiết bị âm thanh nói chung cũng như thị trường tai nghe nói riêng. Bài viết chắc chắn sẽ còn thiếu một số thương hiệu nhỏ lẻ khác, thị trường tai nghe đa dạng, đang biến chuyển từng ngày, phần thắng thuộc về ai vẫn còn rất khó nói trước được.
Nguồn: Tổng hợp